Bánh bao cuộn tôm

Được biến tấu từ món bánh bao quen thuộc, bánh bao cuộn tôm chắc chắn sẽ mang đến nhiều hương vị thơm ngon lạ miệng dành cho bạn.

Nguyên liệu:

- 1 gói bột bánh bao và men khô có sẵn kèm theo trong gói bột.

- 200 g tôm sú, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa đường, 1 thìa cà phê tiêu xay, 1 củ hành tím.

Cách chế biến:


- Hòa tan men khô với 160 ml nước lọc, trộn đều với bột rồi nhồi đến khi bột mềm, dẻo và mịn. Ủ bột trong khoảng 15 phút.

- Tôm tươi làm sạch, bỏ vỏ, rút chỉ đen. Giã nát hành tím, cho tôm vào giã nhuyễn với hạt nêm, đường, tiêu xay cùng ít màu hạt điều.


- Viên bột thành từng viên tròn rồi cán bột thành hình chữ nhật, dày khoảng 1 cm. Dàn đều phần nhân tôm lên giữa, cuộn tròn lại, thái thành từng phần vừa ăn.


- Xếp bột vào xửng rồi hấp chín trong khoảng 20 phút. Dùng bánh khi còn nóng sẽ mềm và thơm ngon hơn.

Điểm tâm với nui chiên trứng

Nui chiên trứng là một cách biến tấu mới từ món bột chiên quen thuộc, mang đến hương vị thơm ngon, lạ miệng cho bữa sáng của bạn.

Nguyên liệu:

400g nui (3 người ăn); 3 quả trứng gà.

50g đu đủ bào sợi; 2 quả dưa leo bào sợi; 1 củ cải trắng hoặc cà rốt bào sợi; nước tương; tương ớt.

Cách chế biến:


Nui ngâm mềm, luộc chín. Xả nước lạnh nhiều lần rồi vớt ra để ráo. Phi thơm dầu, cho nui vào chiên vàng. Sao đó cho trứng vào đánh tan.

Chiên đến khi trứng vàng, bám vào nui thành một bánh mỏng là được.


Cho nui ra đĩa, xếp đu đủ, cà rốt, dưa leo lên trên. Ăn kèm là nước tương, tướt ớt cùng ít ớt trái
.

Chè đậu xanh nước cốt dừa

Món ăn là sự kết hợp giữa vị ngọt hơi béo của nước cốt dừa, vị bùi bùi của đậu xanh cùng hương thơm thoang thoảng của vani tuy đơn giản nhưng ngon miệng.

Nguyên liệu:

- 500 g đậu xanh cà không vỏ, 200 g đường phèn bột, 1 ống vani.

- 1 kg dừa nạo vắt lấy nước, 10 g bột báng, 1 thìa soup bột năng, 1 thìa soup đường cát, 1 thìa cà phê muối.

Cách chế biến:


- Đậu xanh ngâm với nước khoảng 3 tiếng, nhặt bỏ đậu sâu, đãi lại nhiều lần rồi để ráo nước. Cho đậu vào nồi, đổ nước lọc ngập mặt đậu khoảng 1 cm, thêm 1 thìa cà phê muối, 1 thìa gừng giã nát rồi nấu chín đậu.

- Khi nước sôi, dùng thìa vớt hết phần bọt, tiếp tục đun với lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều để đậu tơi ra và không bị cháy.



- Khi đậu nhừ, dùng đũa cái đánh cho đậu thật tơi và nhuyễn. Tiếp đến cho đường và vani vào. Tiếp tục đánh đến khi đậu sánh lại, có vị ngọt vừa là được.



- Cho chè vào hộp, để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để dành ăn dần.



- 10 g bột báng ngâm nở. Dừa nạo vắt lấy nước cốt. Thêm vào 1 thìa soup bột năng, 1 thìa soup đường cát, 1 thìa cà phê muối đánh tan, đun với lửa nhỏ. Sau đó cho bột bánh vào, tiếp tục đun đến khi nước cốt dừa sánh lại, sôi nhẹ là được.


- Múc chè ra ly, cho ít nước cốt dừa vào và dùng lạnh. Nếu thích bạn có thể cho thêm đá lạnh vào
.

Làm bánh tráng rế

Bánh tráng rế là nguyên liệu quan trọng để làm món chả giò rế. Để có lớp vỏ rế này, ngoài việc mua tại chợ, siêu thị, các cửa hàng, bạn cũng có thể tự làm tại nhà qua công thức do bếp trưởng nhà hàng Việt Mandarine (11 Ngô Văn Năm, Q.1, TP.HCM) Lê Phú Đức hướng dẫn.

    Để làm 200 vỏ bánh tráng rế, cần chuẩn bị các nguyên liệu sau: 1kg bột gạo, 100g bột mì, 100g bột năng, 75g đường, 1 lòng trắng trứng vịt, 1/2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê dầu ăn, 450ml nước.
    Sau khi hòa tan các nguyên liệu trên, cần lược hỗn hợp thật kỹ qua rây để bột bánh có độ mịn, dẻo cần thiết. Tiếp đến, bọc kín bột bánh, cho vào ngăn mát tủ lạnh để từ 4-8 tiếng cho bột nở dẻo. Sau thời gian ủ, lấy bột ra khỏi tủ, canh độ bột bằng cách nhúng ngón tay vào hỗn hợp bột rồi nhấc cao lên, nếu bột kéo thành sợi dài không đứt quãng là được. Nếu bột hơi đặc, có thể thêm nước lạnh, nếu bột lỏng, hãy thêm vào chút bột.
    Bột chuẩn bị xong, đặt chảo không dính lên bếp. Chảo nóng dùng cọ phết một lớp dầu mỏng lên chảo, nhúng năm đầu ngón tay thật sâu vào thố bột đưa thẳng vào trong chảo và rế đều tay thật nhanh theo chiều kim đồng hồ tạo hình vỏ bánh. Đợi miếng bánh trở trong, tróc ra khỏi mặt chảo là được. Lưu ý, khi rế bánh nên để lửa vừa để sợi bột chín đều.
    Bánh tráng rế dùng không hết cho thể bảo quản trong tủ đông cho những lần dùng sau. Trước khi dùng chỉ việc lấy ra để ở nhiệt độ phòng cho bánh mềm, nhúng ướt chiếc khăn sạch, ắt thật ráo, đặt lên để hút ẩm, giúp bánh trở nên mềm mại khi cuốn không bị khô, gãy.

    Bánh xèo tôm nhảy

    Bánh xèo là món ăn danh bất hư truyền có mặt ở khắp hai miền Trung, Nam. Ở mỗi vùng, ta có thể tìm thấy nét hấp dẫn riêng của món ăn này, tùy vào cách chế biến của người địa phương. Với riêng tôi, có lẽ bánh xèo Quy Nhơn là ngon và đặc sắc nhất, bởi nguyên liệu đơn giản nhưng khẩu vị vẫn rất đậm đà.
      Trong khi các vùng đất khác chế biến bánh xèo cầu kỳ với tôm, mực, thịt, trứng... thì bánh xèo Quy Nhơn chỉ có tôm đất làm “nhưn”. Linh hồn của món bánh xèo Quy Nhơn cũng là từ yếu tố này. Tôm đất để làm bánh xèo được người Quy Nhơn kén chọn lắm, phải là tôm của dòng sông Gò Bồi ngọt lịm, tươi roi rói, được đánh bắt vào mỗi buổi sáng tinh mơ. Tôm nhỏ nhưng chắc thịt, khi chín đỏ au nhìn đẹp vô cùng, ăn vào ngọt lịm vị của nước sông, của đất bồi, của hồn quê xứ sở.
      Bánh xèo Quy Nhơn được đổ trên bếp than hoặc củi, nên bánh chín giòn rụm và có mùi thơm ngon rất đặc trưng
      Bột gạo để làm bánh thì nhất định phải được xay bằng cái cối đá cũ kỹ truyền đời trong gia đình, xay đến đâu đúc bánh đến đó, bánh mới thơm mùi gạo mới, giòn rụm, mềm mịn, quyện với chút bột nghệ và nước cốt dừa, là hương vị đã đủ đầy. Chút hành lá xắt nhuyễn vừa làm đẹp thêm màu bánh, vừa thêm chút thơm thơm, khiến bánh ngon lại càng ngon. Nhiều nơi đổ bánh xèo ở Quy Nhơn vẫn còn dùng bếp củi, chiên bánh thì dùng tóp mỡ chứ không dùng dầu ăn, nên bánh béo ngậy và giòn rất đặc trưng.
      So với các vùng khác, nước chấm của bánh xèo Quy Nhơn đậm đặc hơn. Nước mắm cốt phải thật ngon, pha với tỏi ớt giã thật nhuyễn, thật mịn, thêm nước cốt chanh và đường. Rau ăn với bánh xèo Quy Nhơn không thể thiếu rau mầm, loại rau non mướt, hơi nhân nhẩn nhưng mát và bổ, cùng với chút xoài chua xắt nhuyễn.
      Bánh xèo Quy Nhơn phải ăn với bánh tráng. Bánh tráng gạo nhúng mềm, trải lên đĩa, cuốn một nhúm rau mầm với xoài chua, bỏ lên miếng bánh xèo nóng hổi, cuốn thật chặt tay, chấm ngập vào chén nước mắm rồi cắn một miếng, quả không có gì sánh được. Có thể ăn kèm với vài tép tỏi tươi của vùng Lý Sơn, để hương vị thêm nồng.
      Bánh xèo tôm nhảy rau mầm giờ bán phổ biến khắp nơi ở thành phố Quy Nhơn, đặc biệt vùng ven biển. Trời nhá nhem tối, đi ngang những quán bánh xèo tôm nhảy, nghe tiếng xèo xèo đổ bánh, tiếng gọi mời, tiếng khua bát đũa và mùi thơm của bánh dậy lên, thật khó cưỡng được việc dừng chân thưởng thức một bữa ngon cho thỏa lòng.

      Khoai tây chiên xù

      Bạn đã bao giờ thử làm món ăn vặt cho bé con nhà mình chưa? Khoai tây chiên xù bọc phô mai chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Từng viên khoai tây thơm ngon giòn tan với phần nhân phô mai dai dai và béo mịn chắc chắn sẽ là một món ăn vặt ngon tuyệt dành cho các bé yêu.


      Mức độ: Trung bình

      Chuẩn bị: 20 phút

      Chế biến: 40 phút

      Nguyên liệu: 

          1kg khoai tây
          200g phô mai mozzarella, xắt hạt lựu
          100g hành tây
          100g cà rốt
          100g ớt chuông
          5g muối
          200g bột chiên giòn
          100g bột mì
          5 lòng đỏ trứng gà đánh tan

      Các bước thực hiện: 

      Bước 1

      Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ rồi luộc chín sau đó dùng nĩa nghiền nhuyễn khoai tây.

      Bước 2

      Làm nóng chút dầu trên chảo, xào hành, cà rốt, ớt chuông cho chín.

      Trộn đều khoai tây nghiền, cà rốt, hành tây và ớt chuông với nhau, thêm ít tiêu, muối cho vừa miệng.

      Bước 3

      Lấy từng thìa khoai tây, vo tròn rồi ấn dẹt, múc vài vài viên phô mai lên khoai rồi gói kín lại như khi bạn gói bánh trôi.

      Bước 4


      Lăn các viên khoai tây qua bột mì, rồi tới lòng đỏ trứng. Cuối cùng bạn lăn chúng qua bột chiên xù.

      Chiên ngập dầu để khoai giòn mà không bị ngấm nhiều dầu. Chiên xong bạn có thể vớt khoai ra đĩa đã lót sẵn giấy thấm dầu để 3-5 phút rồi mới dùng.